Cách trả lời điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn "bao khéo"

ITNavi 15 Sep 2023 46654

Không phải ai cũng biết cách trả lời câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn làm sao để vừa tinh tế, khiêm tốn lại vừa khẳng định được giá trị bản thân. Đó chính là lý do bạn nên đọc các tip để trả lời câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu thuyết phục được ITNavi chia sẻ ngay dưới đây.

Mục đích của nhà tuyển dụng khi hỏi về điểm mạnh điểm yếu của ứng viên

Để giải quyết câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn, bước đầu tiên cần làm đó là hiểu mục đích và lý do tại sao nhà tuyển dụng lại cần biết những thông tin này. Đó là vì để:

  • Đánh giá sự tự nhận thức bản thân của ứng viên: Các ứng viên có khả năng tự nhận thức được ưu điểm, khuyết điểm của bản thân có thể có hành động cải thiện điểm yếu và tận dụng tối đa các điểm mạnh để phát triển trong công việc.
  • Đánh giá liệu ứng viên có chủ động cải thiện điểm yếu hay không: Tự nhận thức được điểm yếu của mình chỉ là một bước nhỏ đầu. Không phải ai cũng có thể khắc phục được điểm yếu của bản thân nếu chỉ nói về nó như một thứ lý thuyết. Điều quan trọng phía sau đó là bạn có nỗ lực để cải thiện các khuyết điểm và nâng cao kỹ năng của bản thân không, đó chính là điều nhà tuyển dụng cần biết.
  • Tìm hiểu phong cách làm việc: Một phần phong cách và tinh thần làm việc sẽ được thể hiện qua cách bạn trả lời về điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn. Ví dụ như cách bạn khắc phục sự thiếu cẩn trọng hoặc bạn có xu hướng làm việc độc lập hay hợp tác làm việc nhóm hơn, các kỹ năng của bạn sẽ dung hòa với các thành viên khác trong team thế nào,...
  • Thăm dò về cách bạn xử lý tình huống khi đối mặt với những câu hỏi khó.

Nắm được điều nhà tuyển dụng muốn khi đặt câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu vẫn chưa đủ, bạn cần có các mẹo và cách trả lời sao cho khéo léo, thông minh như sau.

Cách trả lời câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu khi phỏng vấn

Một vài tip trả lời phỏng vấn về ưu điểm, khuyết điểm thật sáng tạo ngay dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua câu hỏi phỏng vấn điểm mạnh, điểm yếu thật xuất sắc.  

Điểm mạnh

Đối với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về những điều bạn muốn nói và cách bạn trình bày khi được hỏi về điểm mạnh của bản thân. 

  • Tại sao bạn lại giỏi làm X ? Có thể minh chứng cho nó bằng cách nào?
  • Làm thế nào mà X có thể giúp bạn làm việc ở vị trí này? (Hoặc là X đã giúp bạn thế nào trong các công việc trước đây?)

Trả lời được 2 câu hỏi dưới đây là bạn đã hình dung và nắm được ưu điểm của bản thân mình, đưa ra các câu trả lời có sức tác động lớn, chân thực và phù hợp với vị trí công việc mà bạn ứng tuyển.

Ngoài ra, chúng tôi có 5 lời khuyên cho bạn trước khi trả lời câu hỏi về điểm mạnh, ưu điểm của bản thân như sau:

#1 Điểm mạnh có liên quan đến công việc. 

#2 Hãy khiêm tốn và thừa nhận rằng bạn vẫn còn rất nhiều điều cần được học hỏi, phát triển.

#3 Điểm mạnh phải có thật.

#4 Kèm thêm dữ kiện, số liệu mà bạn đã đạt được trong quá khứ.

#5 Nhấn mạnh rằng điểm mạnh này có thể mang lại lợi ích cho công ty đến thế nào.

 

Và nếu bạn chưa thể nghĩ ra điểm mạnh của mình ngay bây giờ, thì có thể tham khảo một vài từ mà bạn có thể đề cập đến trong câu trả lời về ưu điểm của mình như:

  1. Tập trung
  2. Kiên nhẫn
  3. Hợp tác
  4. Sáng tạo
  5. Đồng cảm
  6. Chủ động
  7. Linh hoạt, nhạy bén
  8. Trung thực
  9. Cầu tiến, liên tục học hỏi
  10. Làm việc theo nhóm
  11. Lãnh đạo
  12. Tích cực

Điểm yếu

Làm nổi bật ưu điểm của bản thân khi trả lời câu hỏi điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn mới chỉ là một nửa quá trình. Phần còn lại chính là trả lời về điểm yếu làm sao cho nhẹ nhàng, tinh tế. 

Sẽ rất mất điểm nếu bạn sử dụng các câu mô tả điểm yếu như “Tôi có điểm yếu đó là quá cầu toàn”, “điểm yếu của em là không có khuyết điểm gì” hoặc đề cập đến một điểm yếu có thể thực sự làm hỏng cơ hội nhận được công việc như ý. Ví dụ như bạn ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh nhưng lại nhận xét điểm yếu của bản thân là giao tiếp kém.

Vì vậy, trước khi nói đến điểm yếu của mình, bạn hãy xem xét vị trí ứng tuyển và lựa chọn các khuyết điểm không ảnh hưởng tới kết quả đánh giá về năng lực chuyên môn.

ITNavi có 5 lời khuyên dành cho bạn khi trả lời câu hỏi “Bạn có điểm yếu nào không?”:

#1 Trung thực nhưng khéo léo.

#2 Tự nhận thức được điểm yếu và luôn cố gắng hoàn thiện bản thân.

#3 Thể hiện sự sẵn sàng học hỏi để khắc phục các khuyết điểm.

#4 Trong điểm yếu có thể ẩn chứa các điểm mạnh, hãy đẩy điểm mạnh đó lên. 

#5 Cụ thể hoá điểm yếu, có thể lấy ví dụ về một điểm yếu nào đó, quá trình khắc phục và biến nó thành ưu điểm của mình. 

Một vài từ chỉ điểm yếu bạn có thể tham khảo khi trả lời câu hỏi điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn như: 

  1. Quá chi tiết
  2. Kỷ luật kém
  3. Rất hướng nội/hướng ngoại
  4. Không có kỹ năng giao việc
  5. Thuyết trình kém
  6. Thiếu cẩn thận
  7. Nhạy cảm
  8. Làm việc theo cảm tính
  9. Dễ nổi nóng
  10. Khả năng tính toán kém

Ví dụ tham khảo về cách trả lời câu hỏi về điểm mạnh và điểm yếu

Cách trả lời mẫu cho câu hỏi “Bạn có điểm mạnh là gì?”

(1) Liên tục học hỏi

“Điểm mạnh lớn nhất của tôi là việc tôi không ngừng học hỏi. Mỗi khi có phần mềm mới ra mắt, tôi luôn thử trải nghiệm và làm quen với nó. Tôi khám phá và tìm hiểu về các khía cạnh của phần mềm vì tôi tin rằng việc cập nhật những kiến thức mới trong ngành là điều thực sự cần thiết. Tôi tin rằng vị trí công việc này sẽ giúp tôi phát huy tinh thần cầu thị, liên tục học hỏi của mình và tạo ra nhiều giá trị cho công ty.”

(2) Hợp tác làm việc nhóm tốt

“Điểm mạnh mà tôi muốn nói đến đó là khả năng làm việc nhóm tốt. Trong vai trò là người quản lý dự án ở vị trí công việc gần nhất, tôi đã đáp ứng mọi yêu cầu về deadline và sản phẩm bàn giao thông qua việc cải thiện đội nhóm từ quy trình, ứng dụng phần mềm và cộng tác làm việc cùng nhau. Tôi tự tin rằng mình có thể đem lại tinh thần này cho team của bạn và góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực tại công ty.”

(3) Giải quyết vấn đề

“Điểm mạnh của tôi là khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Tôi tự hào về điều đó. Bằng việc xem xét mọi việc dưới nhiều góc độ khác nhau, đặt mình vào nhiều vị trí để đánh giá những quan điểm khác nhau, tôi có thể đưa ra quan điểm một cách toàn diện của riêng mình, cung cấp cho team các thông tin có giá trị, duy trì hiệu quả ngay cả khi đặt trong tình huống căng thẳng. Tôi mong rằng có thể đóng góp kỹ năng của mình vào sự phát triển, lớn mạnh của công ty.”

Cách trả lời khéo léo, tinh tế cho câu hỏi “Điểm yếu của bạn là gì?”

(1) Hướng nội, khó chia sẻ

“Tôi tự thấy mình có khuyết điểm xuất phát từ tính cách hướng nội của bản thân, đó là khó chia sẻ ý tưởng, suy nghĩ của mình trong môi trường làm việc nhóm, cuộc họp. Đã có thời gian nhóm của tôi hoạt động kém hiệu quả trong 2 dự án liên tiếp. Có thể đánh giá do nhiều nguyên nhân, nhưng tôi nhận ra rằng mình cần phải thay đổi để đóng góp, nỗ lực vì tập thể nhiều hơn. 

Để khắc phục, tôi tham gia các khóa học giao tiếp và câu lạc bộ, tôi thúc mình phải phát biểu nhiều hơn trong các cuộc họp. Hiện tại tôi vẫn cần phải cải thiện rất nhiều nhưng sự tiến bộ trong thời gian cố gắng vừa qua chính là động lực cho tôi phát triển và nỗ lực để trở thành một thành viên tốt của nhóm.”

(2) Tính cách hay lo lắng, bất an

“Điểm yếu của tôi đó là tính hay lo lắng. Nhất là khi đảm nhiệm công việc mà tôi chưa từng làm trước đó, tôi luôn phải kiểm tra lại mọi thứ cho đến khi cảm thấy hài lòng. Để khắc phục điều đó, tôi sẽ cố hoàn thành công việc sớm hơn dự kiến và hỏi ý kiến của đồng nghiệp có kinh nghiệm.”

(3) Kỹ năng thuyết trình kém

“Kỹ năng thuyết trình chưa tốt là một khuyết điểm mà tôi thấy mình cần cải thiện nhiều hơn. Dù tôi có thể giao tiếp thoải mái với các cá nhân hoặc nhóm nhỏ, nhưng khi đứng trước một nhóm lớn hoặc thuyết trình trong cuộc họp lớn, tôi thường hay lo lắng. 

Để khắc phục khuyết điểm này, tôi đang cố gắng luyện tập nói trước đám đông, tìm kiếm cơ hội thuyết trình cả trong công việc và ngoài đời sống. Nâng cao kỹ năng thuyết trình chính là cách mà tôi cống hiến nhiều giá trị hơn cho công ty.”

Các thông tin về điểm mạnh và điểm yếu cần tránh khi phỏng vấn

Điểm mạnh có thể sẽ ẩn trong một vài điểm yếu. Ngược lại, quá khoa trương về ưu điểm của mình có thể trở thành điểm bất lợi cho bạn trong quá trình trả lời câu hỏi điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn.

Do đó, bạn cần lưu ý về các thông tin cần tránh nhắc đến khi nói về ưu điểm, khuyết điểm của bản thân:

  • Hạn chế khoa trương quá mức, tự tin thái quá về điểm mạnh.
  • Không dành quá nhiều thời gian để nói đến điểm mạnh.
  • Không nói đến các điểm yếu ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá năng lực chuyên môn.
  • Không trình bày điểm yếu với thái độ đùa cợt, không nghiêm túc.
  • Cũng không nên đánh giá bản thân quá thấp mà đưa ra quá nhiều khuyết điểm.

Bí kíp “tạo nét” với nhà tuyển dụng ngay từ vòng đầu 

Ngoài câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn, bạn cũng sẽ cần đối mặt với rất nhiều câu hỏi khác về chuyên môn, kỹ năng, quan điểm, cách tư duy,... Vậy nên, một vài bí kíp dưới đây sẽ giúp bạn tạo nét, gây ấn tượng mạnh cho nhà tuyển dụng ngay từ đầu buổi phỏng vấn:

  • Tuyệt đối không muộn giờ, nên đến sớm trước 15 - 20 phút.
  • Tìm hiểu trước về thông tin về công ty.
  • Trang phục chuyên nghiệp, lịch sự, nhã nhặn.
  • Thái độ tích cực, nét mặt tươi vui, tự tin, giọng nói rõ ràng.
  • Trả lời ngắn gọn, đầy đủ, trọng tâm, trung thực.
  • Trong khi phỏng vấn, nếu không hiểu câu hỏi thì hãy hỏi lại người đặt câu hỏi.
  • Trung thực về bản thân, không giấu dốt, tinh thần sẵn sàng học hỏi.
  • Viết email cảm ơn sau khi kết thúc phỏng vấn. Bạn cũng có thể xin ý kiến góp ý của nhà tuyển dụng để rút kinh nghiệm cho bản thân trong các buổi phỏng vấn sau này.

Tóm lại, điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn không phải là khía cạnh nhà tuyển dụng tập trung quá nhiều. Nhưng thể hiện điểm mạnh một cách khiêm tốn và nói đến khuyết điểm một cách có chiều sâu, luôn sẵn sàng cải thiện thì chính là điều mà mọi nhà tuyển dụng mong muốn. Với các tip trả lời cho câu hỏi về điểm mạnh, điểm yếu phía trên đây, ITNavi chúc bạn thành công trong mọi cuộc phỏng vấn!

ITNavi - Nền tảng kết nối việc làm IT

Nguồn: Cách trả lời điểm mạnh, điểm yếu khi phỏng vấn "bao khéo"

Bài viết liên quan

NEWSLETTER

Nhập địa chỉ email của bạn dưới đây để đăng ký nhận tin mới nhất

KẾT NỐI VÀ THEO DÕI