50+ câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng ‘đắt’ nhất 2023

ITNavi 15 Sep 2023 7186

“Phỏng vấn ngược lại nhà tuyển dụng” chính là cách để bạn hiểu kỹ hơn về công cty, vị trí công việc tương lai, cho thấy bạn thực sự quan tâm đến công việc, chủ động tìm hiểu thông tin và thể hiện phong thái tự tin, win-win khi lựa chọn nơi cống hiến giá trị của mình. Tuy vậy, bạn đã biết những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng sao cho khéo léo và ấn tượng chưa? Hãy để ITNavi giúp bạn tổng hợp!

Nên hay không khi đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng?

Câu trả lời cho bạn đó là hoàn toàn có thể. 

Khi bạn đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, điều này có lợi cho cả hai phía trong buổi phỏng vấn. Bạn hãy tận dụng cơ hội ghi điểm phút chót khi được đặt câu hỏi “Bạn có câu hỏi nào không?”, bởi nó không chỉ là mẹo gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, nó còn là cách giúp bạn:

  • Hiểu rõ vai trò, vị trí công việc ứng tuyển, các công việc sẽ thực hiện trong tương lai giúp đảm bảo sự phù hợp về năng lực và workload công việc.
  • Đánh giá môi trường làm việc về tiềm năng phát triển bản thân, cơ hội thăng tiến, chính sách, phúc lợi, văn hoá doanh nghiệp,...
  • Thể hiện sự quan tâm một cách nghiêm túc, mong muốn hiểu rõ công việc và công ty để được cống hiến, làm việc tại công ty. 

Tuy nhiên, bạn cũng cần cân nhắc và chuẩn bị trước các câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng để không gây cảm giác khó chịu hay ấn tượng tiêu cực cho những người phỏng vấn. Lưu tâm đến các nguyên tắc đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng trong suốt buổi phỏng vấn sẽ giúp bạn dễ dàng khai thác thông tin hơn rất nhiều. 

Nguyên tắc cần chú ý khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng

Nhà tuyển dụng luôn hoan nghênh bạn đặt ra những câu hỏi hoặc nói lên những thắc mắc của bản thân bạn về công ty, về công việc,... cũng giống như cách mà họ đang tìm kiếm sự phù hợp trong con người của ứng viên. 

Nhưng nên đặt ra những câu hỏi như thế nào để vừa đạt được mục đích của mình, lại vừa tạo được ấn tượng cho nhà tuyển dụng? Không khó, bởi bạn có thể áp dụng các nguyên tắc dưới đây để ăn cú chốt cho buổi phỏng vấn của mình:

  • Chú ý thái độ chân thành, lịch sự, thoải mái, không bốp chát, kênh kiệu, nhưng cũng không nên quá nghiêm trọng hay chất vấn người đối diện.
  • Từ ngữ phù hợp, nhã nhặn, câu cú logic.
  • Đặt câu hỏi mở thay vì các câu hỏi trả lời “có-không”. Việc này rất quan trọng bởi nó quyết định bạn có thể khai thác những gì từ nhà tuyển dụng, có được thông tin gì về công ty qua việc người phỏng vấn chia sẻ.
  • Câu hỏi vào thẳng trọng tâm, tránh việc mồi chào dài dòng, lan man.
  • Nội dung câu hỏi chỉ nên xoay quanh về nhiệm vụ, lợi ích của công việc hoặc văn hoá của công ty, không nên đề cập đến các vấn đề riêng tư.
  • Chú ý lắng nghe câu trả lời và tương tác với thông tin trong câu trả lời đó để thấy được bạn quan tâm thực sự và muốn đào sâu giải đáp thắc mắc của bản thân.
  • Đừng quên cảm ơn nhà tuyển dụng sau khi nhận được giải đáp cho các câu hỏi của mình.

Sẽ có một vài thông tin hữu ích được chia sẻ từ nhà tuyển dụng trong quá trình bạn đặt ra các câu hỏi. Vậy nên, đừng bỏ lỡ cơ hội bắn một mũi tên trúng nhiều đích này.

Những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn

Tổng hợp mẫu các câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng thể hiện EQ cao, sự thông minh, nhanh nhạy và ăn đứt các đối thủ khác trong buổi phỏng vấn.

Câu hỏi liên quan trực tiếp đến vị trí phỏng vấn

Mục đích của nhóm câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng về vị trí phỏng vấn là để:

  • Hiểu thêm về chi tiết các đầu việc bạn đảm nhận.
  • Nắm được nhiệm vụ, trách nhiệm, KPI cơ bản.
  • Nắm được yêu cầu của công ty về kỹ năng cơ bản cho vị trí công việc này.
  • Thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy được sự chuyên nghiệp, luôn đặt công việc lên hàng đầu, rõ ràng trong các đầu việc và trách nhiệm.

Bạn có thể tham khảo các mẫu câu hỏi trong nhóm này phía dưới đây:

  • Các đầu việc cụ thể cần làm của vị trí này là gì?
  • Anh chị có thể chia sẻ các đầu việc mà chưa được đề cập đến trong JD không?
  • Vị trí này có yêu cầu cụ thể về bằng cấp hoặc kinh nghiệm khác không?
  • Với các đầu mục công việc này, trọng số % sẽ tập trung vào đầu việc nào nhiều nhất?
  • Quy trình làm việc cơ bản đối với vị trí này là gì?
  • Người quản lý trực tiếp của vị trí này là ai?
  • Tôi sẽ cần làm việc trực tiếp với các phòng ban/team nào?
  • Công việc này có yêu cầu bắt buộc cần làm việc nhóm hay làm việc độc lập không?
  • Công cụ hoặc KPI đánh giá kết quả công việc thế nào?
  • Thời gian làm việc cho vị trí này thế nào ạ?
  • Vị trí này có thường tăng ca nhiều không?
  • Công việc này có yêu cầu đi công tác thường xuyên không?
  • Team của mình hiện tại có mấy người? Và có các vị trí công việc nào?

Câu hỏi về công ty

Mục đích của nhóm câu hỏi dành cho nhà tuyển dụng về công ty là để:

  • Tìm hiểu văn hoá doanh nghiệp, quy định của công ty.
  • Nắm được tổng quan cơ cấu tổ chức, phòng ban.
  • Có thể biết được công ty có “tốt” không qua việc người phỏng vấn chia sẻ về cảm nhận của họ về công ty.

Một số câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng về thông tin công ty:

  • Ngoài những thông tin chia sẻ trên website, anh chị có thể giới thiệu thêm cho em về văn hoá công ty mình được chứ ạ?
  • Quy định về thời gian làm việc của nhân sự như thế nào?
  • Công ty có kế hoạch phát triển cho phòng ban này như thế nào ạ?
  • Kế hoạch phát triển trong 5 - 10 năm tới của công ty như thế nào ạ?
  • Các nhân sự trong công ty đang làm việc theo tôn chỉ, giá trị cốt lõi nào ạ?
  • Anh chị có cảm nhận gì khi làm việc tại công ty mình ạ?
  • Anh chị gắn bó với công ty mình vì điều gì ạ?
  • Anh chị đánh giá như thế nào về môi trường làm việc, công việc, phúc lợi và con người ở đây ạ?

Câu hỏi về lương và phúc lợi

Nhóm câu hỏi về lương, phúc lợi và quá trình deal lương của hai bên thường ở gần cuối buổi phỏng vấn. Do vậy, đây cũng là một trong những câu hỏi đắt giá nếu bạn biết cách tận dụng nó.

Mẫu câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng về lương, phúc lợi tham khảo:

  • Với vị trí này, có các đãi ngộ khác ngoài những gì anh chị vừa trao đổi không?
  • Về phần phúc lợi, thưởng lễ tết sẽ như thế nào?
  • Công ty có chế độ thưởng trong trường hợp hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra không?
  • Chính sách tăng lương của công ty như thế nào?

Câu hỏi về lộ trình thăng tiến, đào tạo, học hỏi

Mục đích của nhóm câu hỏi này không gì khác, chính là vừa cho nhà tuyển dụng thấy được giá trị của ứng viên, vừa thể hiện sự suy xét công việc có đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra về sự nghiệp, mục tiêu riêng của bản thân.

Tham khảo một số mẫu câu nên hỏi nhà tuyển dụng về lộ trình thăng tiến: 

  • Công ty định hướng phát triển cho vị trí công việc này như thế nào?
  • Vị trí này có cơ hội thăng tiến thế nào ạ?
  • Công ty có thường xuyên luân chuyển vị trí để nhân sự có thể học hỏi nhiều kỹ năng hơn không?
  • Công ty có các chương trình đào tạo nhân sự thế nào?
  • Anh chị làm cách nào để giúp thúc đẩy nhân sự của mình về mặt kiến thức và kỹ năng?

Câu hỏi về kỹ năng cần có

Các kỹ năng mềm và kỹ năng xã hội có tác dụng như chất bôi trơn cho công việc của bạn. Nhà tuyển dụng cũng thấy được điều đó. Vậy nên hãy đặt các câu hỏi về kỹ năng với thái độ cầu thị, mong muốn được giải đáp để trau dồi cho công việc sau này.

Mẫu câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng về mặt kỹ năng của nhân sự:

  • Các kỹ năng cần thiết để hoàn thành tốt công việc này là gì?
  • Anh chị đánh giá áp lực lớn nhất đối với vị trí này là gì?
  • Anh chị có yêu cầu gì về kỹ năng của nhân sự cho vị trí này?
  • Anh chị cảm thấy tôi cần cải thiện kỹ năng nào và trau dồi thêm kỹ năng nào để phù hợp với công việc này?

Câu hỏi về quy trình sau buổi phỏng vấn

Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn đặt ra câu hỏi cho nhà tuyển dụng về các quy trình, hành động tiếp theo sau khi kết thúc buổi phỏng vấn. Đây là một trong những điểm ‘đắt’ mà bạn cần đặc biệt lưu tâm.

Một số mẫu câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng như:

  • Bước tiếp theo sau khi kết thúc buổi phỏng vấn thì sẽ thế nào?
  • Công ty sẽ gửi kết quả phỏng vấn trong vòng bao lâu?
  • Tôi cần liên lạc với ai hoặc phòng ban nào để hỏi về thông tin sau buổi phỏng vấn này?
  • Nếu được trúng tuyển, thời gian để bắt đầu công việc là khi nào?
  • Anh chị sẽ gửi mail hay gọi điện thông báo kết quả phỏng vấn?

Những câu hỏi tuyệt đối không nên hỏi nhà tuyển dụng

Bên cạnh những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng, thì bạn cũng nên chú ý không nên đặt ra các câu hỏi sau cho nhà tuyển dụng. Nó có thể làm bạt rớt điểm thảm hại hoặc đánh sập hảo cảm của nhà tuyển dụng đối với bạn trong buổi phỏng vấn. Cần chú ý:

  • Không đặt câu hỏi gì cũng là một điểm bất lợi.
  • Không đặt câu hỏi mang tính chất công kích cá nhân, doanh nghiệp.
  • Không đặt các câu hỏi về công ty mà thông tin đã có sẵn trên JD, website, fanpage hoặc đã được nhà tuyển dụng giới thiệu trước đó.
  • Không nên hỏi quá nhiều về nghỉ phép, vắng mặt,...

Mở rộng các câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng

Tham khảo các câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng trong các ngành nghề, ngôn ngữ khác nhau ngay dưới đây.

Những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng bằng tiếng Anh khéo léo, linh hoạt

  • What skills are you looking for in a candidate? (Những kỹ năng mà anh chị đang kỳ vọng ở một ứng viên?)
  • What is the typical career path for someone hired into this role? (Anh chị có thể nói về cơ hội thăng tiến của vị trí này không?)
  • What is the culture of the company? (Công ty mình có văn hoá làm việc như thế nào?)
  • Are there any additional rounds of interviews or assessments I should prepare for? (Tôi có cần chuẩn bị cho các vòng phỏng vấn hay đánh giá nào nữa không?)
  • What are the key responsibilities and day-to-day tasks associated with this position? (Trách nhiệm, vai trò và nhiệm vụ chính trong công việc này là gì?)

Những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng Nhật Bản tinh tế, trọng tâm

  • 会社の◯◯哲学は、実際の業務にどのように適用されていますか?(Triết lý về … của công ty đã được áp dụng vào các công việc thực tế của các phòng ban thế nào?)
  • 会社でリーダーやマネージャーの役割を果たすために必要なスキルは何ですか?(Tôi cần có kỹ năng nào để phát huy vai trò là người lãnh đạo, quản lý tại công ty?)
  • 入社した場合、私はどの段階で業務に参加し、業務の手順はどうなりますか?(Nếu được tuyển dụng, tôi sẽ tham gia công việc ở giai đoạn nào và quy trình làm việc cơ bản của công việc này thế nào?)
  • … 

Tóm lại, dù bạn có muốn gây ấn tượng bằng các câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng mà ITNavi chia sẻ trên đây, thì hãy luôn nhớ việc ứng tuyển vào công ty và buổi phỏng vấn với nhà tuyển dụng luôn cần đảm bảo tính win - win, cung cấp đúng, đủ thông tin. Trong đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được thái độ và mong muốn của ứng viên. Ngược lại, chính bạn cũng gặt hái được nhiều thông tin, trải nghiệm cho công việc, sự nghiệp sau này.

ITNavi - Nền tảng kết nối việc làm IT

Nguồn: 50+ câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng ‘đắt’ nhất 2023

Bài viết liên quan

NEWSLETTER

Nhập địa chỉ email của bạn dưới đây để đăng ký nhận tin mới nhất

KẾT NỐI VÀ THEO DÕI