Dắt túi 35+ câu hỏi phỏng vấn xin việc và cách trả lời chất nhất

ITNavi 15 Sep 2023 5217

Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc là chìa khoá quyết định bạn có thể gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng đến đâu. Trong bài viết dưới đây, ITNavi sẽ tổng hợp những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc cùng các chú ý và kinh nghiệm nhằm giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho buổi phỏng vấn sắp tới.

Mục Lục

TOP 35+ câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc

Tổng hợp ngắn gọn những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc dưới đây:

  1. Hãy giới thiệu một chút về bạn
  2. Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong ngắn hạn và dài hạn là gì?
  3. Hãy chia sẻ lý do tại sao bạn lại nghỉ làm ở công ty cũ được chứ?
  4. Điểm mạnh của bạn là gì?
  5. Điểm yếu của bạn là gì?
  6. Sở trường của bạn là gì?
  7. Bạn đã tìm hiểu những gì về công ty chúng tôi?
  8. Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí ABC của công ty chúng tôi?
  9. Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?
  10. Bạn đã có kinh nghiệm tại vị trí này chưa?
  11. Quan điểm của bạn về việc làm ngoài giờ?
  12. Điều gì ở sếp cũ khiến bạn không hài lòng?
  13. Mức lương trước đó của bạn là bao nhiêu?
  14. Với vị trí này, bạn mong muốn có được mức lương bao nhiêu?
  15. Bạn có sở thích hay đam mê gì ngoài công việc không?
  16. Bạn dự định sẽ gắn bó với công ty chúng tôi trong bao lâu?
  17. Bạn có đang xem xét vị trí công việc ở công ty khác không?
  18. Bạn còn ứng tuyển cho công ty nào nữa không?
  19. Bạn sẽ thế nào nếu chúng tôi đưa ra quyết định không chọn bạn?
  20. Bạn có triết lý riêng trong công việc không?
  21. Công việc hay tiền, theo bạn cái nào quan trọng hơn?
  22. Khả năng chịu áp lực của bạn thế nào?
  23. Bạn có thể hoàn thành mọi công việc đúng thời hạn không?
  24. Bạn kỳ vọng người sếp sắp tới của mình sẽ như thế nào?
  25. Nếu sếp của bạn làm sai, bạn sẽ xử trí thế nào?
  26. Bạn có thể đi công tác không?
  27. Tại sao công ty nên tuyển bạn dù bạn chưa có kinh nghiệm?
  28. Bạn đang tìm kiếm điều gì ở vị trí công việc mới này?
  29. Hãy chia sẻ về một sự kiện thành công/thất bại của bạn?
  30. Bạn sẽ làm gì khi đã hết giờ làm nhưng đồng nghiệp vẫn chưa đứng dậy ra về?
  31. Sếp cũ hoặc đồng nghiệp của bạn mô tả bạn như thế nào?
  32. Bạn giải quyết những rắc rối của công việc như thế nào?
  33. Bạn là người có tinh thần đồng đội hay độc lập?
  34. 1, 2 hoặc 3 tháng đầu tiên của bạn trong vai trò A sẽ như thế nào?
  35. Bạn có thắc mắc nào cần chúng tôi giải đáp không?

Dưới đây là phần ITNavi gợi ý cho bạn về cách vượt qua các câu hỏi phỏng vấn xin việc thông dụng.

Hãy giới thiệu một chút về bạn

Chúng ta nói về bản thân, giới thiệu bản thân hàng ngày mà không cần suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng lại không tìm kiếm câu chuyện cả cuộc đời bạn, thành tích lớp 10 hay sáng nay trước khi đi phỏng vấn bạn đã ăn gì.

Vậy nên nguyên tắc nhỏ đó là:

  • Hãy nói những điều không có trong CV.
  • Giới thiệu ngắn gọn nhất về tên, quê quán.
  • Trình độ, kỹ năng của bản thân phù hợp với vị trí công việc.
  • Nói đến thành tích của bản thân kèm số liệu hoặc dữ kiện thực tế.
  • Định hướng đối với vai trò mới trong công việc mới.

Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong ngắn hạn và dài hạn là gì?

Về cơ bản, động cơ phía sau câu hỏi này là để nhà tuyển dụng đánh giá xem bạn có phải là một người tham vọng hay không và liệu bạn có những kế hoạch cho sự nghiệp của mình hay không.

Tip trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc về mục tiêu:

  • Hãy suy nghĩ thực tế về quá trình thăng tiến lên vị trí công việc cao hơn.
  • Mục tiêu phải SMART, tức là có thời gian, đánh giá được và đảm bảo chuyên môn.

Ví dụ về cách trả lời câu hỏi về mục tiêu nghề nghiệp của một Data Analyst: 

“Trong vòng 1 năm tôi sẽ nâng cao kỹ năng và trau dồi kinh nghiệm phân tích dữ liệu của mình bằng cách hoàn thành tối thiểu 3 khoá học về Data và ứng dụng kiến thức của mình để cải thiện quy trình làm việc với dữ liệu, tăng hiệu suất làm việc, đóng góp tăng trưởng doanh thu tăng 5%”

Hãy chia sẻ lý do tại sao bạn lại nghỉ làm ở công ty cũ được chứ?

Trong làn sóng layoff quá mạnh trong các ngành nghề, đặc biệt là ngành IT, bộ phận tuyển dụng của các công ty đưa ra câu hỏi này để đánh giá rằng bạn tự giá nghỉ việc hay bị sa thải, bạn nghỉ việc có bàn giao công việc đầy đủ hay không,...

Tip:

  • Không nên nói xấu công ty cũ, sếp cũ, đồng nghiệp cũ,...
  • Hãy khéo léo lái sang kinh nghiệm, quan điểm của bản thân.

Ví dụ kinh nghiệm phỏng vấn trả lời về công ty cũ:

Ví dụ không nên:

“Công việc đó ngày càng trở nên nhàm chán và ông chủ khá là xấu tính. Tôi đang tìm một công ty mới tốt hơn.”

Ví dụ nên:

“Dù tôi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm ở công việc cũ nhưng tôi cảm thấy không có cơ hội thăng tiến nào. Tôi muốn thử thách bản thân bằng cách đảm nhận nhiều trách nhiệm và tạo ra nhiều giá trị hơn cho công ty.”

Điểm mạnh của bạn là gì?

Tip tư duy trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc về điểm mạnh:

  • Ưu điểm đưa ra cần có liên quan đến công việc. 
  • Hãy khiêm tốn khi nói về điểm mạnh của bản thân.
  • Dữ kiện, số liệu hoặc minh chứng về điểm mạnh mà bạn đã đạt được trong quá khứ.
  • Nhấn mạnh rằng những ưu điểm này sẽ được ứng dụng trong công việc và mang lại nhiều lợi ích cho công ty.

Ví dụ mẫu tham khảo từ kinh nghiệm phỏng vấn của nhiều ứng viên xuất sắc:

“Điểm mạnh của tôi đó là không ngừng học hỏi, học mọi thứ khi còn có thể. Tôi thường tìm hiểu về các khía cạnh của phần mềm, công cụ MKT vì tôi tin rằng việc cập nhật những kiến thức mới trong ngành và ứng dụng công nghệ để tối ưu công việc là điều thực sự cần thiết. Tôi tin rằng tôi có thể phát huy tinh thần cầu thị, liên tục học hỏi của mình tại vị trí công việc này và tạo ra nhiều giá trị cho công ty.”

 

Điểm yếu của bạn là gì?

Tip:

  • Trung thực về điểm yếu nhưng khéo léo trả lời.
  • Thể hiện sự tự nhận thức được điểm yếu và luôn cố gắng hoàn thiện bản thân.
  • Thể hiện tinh thần sẵn sàng học hỏi để khắc phục các khuyết điểm.
  • Cụ thể hoá điểm yếu bằng các ví dụ thực tế, kèm theo quá trình khắc phục và biến nó thành ưu điểm của mình. 

Mẫu câu trả lời phỏng vấn tham khảo:

“Điểm yếu của tôi đó là tính cách hay lo lắng, hay bất an. Có thời gian tôi đảm nhiệm công việc mà tôi chưa từng làm trước đó, tôi luôn bất an về kết quả, rủi ro trong quá trình thực hiện. Vậy nên tôi luôn phải kiểm tra lại mọi thứ cho đến khi cảm thấy hài lòng. Việc đó khá mất thời gian nên để khắc phục được nó, tôi đã lên kế hoạch để hoàn thành công việc sớm hơn dự kiến. Đồng thời cũng hỏi xin kinh nghiệm từ các đồng nghiệp”

Sở trường của bạn là gì?

Từ kinh nghiệm phỏng vấn cho thấy, câu hỏi về sở trường cũng tương tự như câu hỏi phỏng vấn xin việc về điểm mạnh của bản thân. Do vậy, bạn có thể áp dụng các tip trả lời như sau:

  • Liệt kê 2 - 3 kỹ năng lợi thế phù hợp với yêu cầu của nhà tuyển dụng có ghi trong JD (có thể là kỹ năng chuyên môn hoặc kỹ năng mềm).
  • Có các dẫn chứng về cách bạn đã áp dụng sở trường đó vào quá trình làm việc và kết quả đạt được.

Bạn đã tìm hiểu những gì về công ty chúng tôi?

Không khó để trả lời câu hỏi phỏng vấn thường gặp này. Điều quan trọng nhất là bạn phải tìm hiểu thông tin về công ty. Những thông tin này bạn nên tham khảo trên website, fanpage, các kênh truyền thông của công ty. Và khi trả lời hãy đề cập đến nguồn gốc thông tin, các hoạt động hay dịch vụ, sản phẩm của công ty,...

Nếu bạn chưa tìm hiểu về công ty, xin đừng buông lời cay đắng vì có thể bạn lại là người nếm trải vị đắng đó.

Ví dụ không nên nói:

“Tôi chưa biết gì về công ty cả, tôi chưa có thời gian tìm kiếm thông tin, công ty của mình làm về lĩnh vực gì nhỉ?”

Nên nói:

“Tôi biết đến công ty qua quảng cáo tìm việc và khá thích thú với sản phẩm, dịch vụ của công ty. Ngoài các thông tin được công khai trên website/fanpage, bạn có thể giới thiệu kỹ hơn về công ty mình cho tôi được không?”

Tại sao bạn lại ứng tuyển vào vị trí ABC của công ty chúng tôi?

Mục đích của câu hỏi này là thăm dò về việc ứng viên có tìm hiểu công việc trước khi ứng tuyển hay không. Đây cũng là một trong những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn mà bạn cần lưu tâm.

Tip trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc với quy trình chuẩn mọi “gu” của nhà tuyển dụng như sau:

  • Đề cập đến vị trí công việc tương đương hoặc đầu việc liên quan đến vị trí ứng tuyển.
  • Thể hiện tinh thần cầu thị, cầu tiến đối với nghề nghiệp bạn theo đuổi.
  • Khẳng định mạnh mẽ về năng lực của bản thân phù hợp với vị trí công việc.

Tại sao chúng tôi nên chọn bạn cho vị trí này?

Một biến thể cho câu hỏi “điểm mạnh của bạn là gì?” chính là đây. Với câu hỏi phỏng vấn xin việc này, bạn cần trình  bày được 2 ý chính:

  • Kinh nghiệm, kỹ năng của bản thân chính là giải pháp giải quyết vấn đề trong vị trí công việc tại công ty.
  • Sự khác biệt về kỹ năng, trình độ của bạn so với các ứng viên khác.

Hãy làm nó thuyết phục hơn bằng cách lồng ghép thêm số liệu hoặc thành tích mà bạn đã đạt được.

Bạn đã có kinh nghiệm tại vị trí này chưa?

Nhà tuyển dụng có thể đã nắm được câu trả lời cho câu hỏi này. Bạn cần chú ý, đây không phải là một câu hỏi Yes or No đơn thuần. Cách bạn diễn giải cho kinh nghiệm của mình trong câu hỏi này mới là mấu chốt.

Kinh nghiệm để trả lời câu hỏi này như sau:

  • Tập trung vào các điểm mạnh, lợi thế về trình độ, kỹ năng của mình để cho thấy sự phù hợp với công việc.
  • Nếu đã từng đảm nhận công việc này, bạn có thể nhấn mạnh vào kết quả và cách bạn thực hiện, cải tiến công việc.

Quan điểm của bạn về việc làm ngoài giờ?

Một vài công ty đặc thù (ví dụ như sàn TMĐT,...) có thể lấy câu hỏi này để đánh giá khả năng  bạn có thể đáp ứng công việc thêm, trách nhiệm với công việc của bạn đến đâu. Với câu hỏi này, bạn hoàn toàn có thể bày tỏ quan điểm về overtime và trả lời khéo léo theo các tip sau:

  • Khẳng định tinh thần trách nhiệm của bản thân với công việc dù phải OT.
  • Khéo léo đề cập đến chế độ phúc lợi khi làm thêm giờ.
  • Trong trường hợp bạn không đồng ý về việc OT, bạn không nên thể hiện quá gay gắt, hãy khẳng định bạn có thể hoàn thành công việc trong giờ hành chính thay vì phải OT.

Điều gì ở lãnh đạo cũ khiến bạn không hài lòng?

Theo kinh nghiệm phỏng vấn xin việc, dù bạn có vài điểm không hài lòng về lãnh đạo cũ của mình, nhưng cũng không nên nhắc đến những điều tiêu cực khi bạn phỏng vấn. Thay vào đó, hãy nhấn mạnh vào kiến thức, kỹ năng mà bạn học hỏi được từ sếp cũng như cách mà sếp đó tạo ra giá trị cho công ty.

Mức lương trước đó của bạn là bao nhiêu?

Với câu hỏi này, tip để trả lời khôn khéo nhất đó là:

  • Không nói con số cụ thể mà hãy nói theo hướng khoảng lương hoặc một con số chung chung.
  • Có thể đưa ra mức lương khởi điểm và khoảng lương bạn nhận được hiện tại để cho nhà tuyển dụng thấy rằng, mức lương của bạn tăng lên theo giá trị của bản thân bạn.

Chú ý: 

  • Mức lương cũ chỉ nên để tham khảo, nó có thể thay đổi theo thị trường và khả năng của bạn. 
  • Bạn có quyền không tiết lộ mức lương cũ bởi có yêu cầu trong thỏa thuận bảo mật của công ty cũ.

Với vị trí này, bạn mong muốn có được mức lương bao nhiêu?

Theo cách trả lời mức lương khi phỏng vấn chuẩn bài, bạn hãy tham khảo mức lương trên thị trường và đưa ra khoảng lương trong tầm ngân sách mà công ty có thể chi trả. Chiến lược deal lương này có thể sẽ giúp bạn chiến thắng trong cuộc đua tâm lý về thù lao.

Ngoài ra, bạn cũng nên trao đổi thẳng thắn về các khoản BHXH, trợ cấp, hoa hồng,... cho vị trí công việc này.

Bạn có sở thích hay đam mê gì ngoài công việc không?

Đây là phần bạn thể hiện bản thân có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Bạn có thể đưa ra một vài sở thích, hoạt động lành mạnh như tập gym, chạy bộ, leo núi, đọc sách, trồng cây, thiền,... Chú ý rằng, các sở thích, đam mê mà bạn đưa ra cần liên quan hoặc hỗ trợ ít nhiều cho kỹ năng của bản thân.

Bạn dự định sẽ gắn bó với công ty chúng tôi trong bao lâu?

Tip trả lời:

  • Đưa ra câu trả lời tích cực.
  • Không nên đưa ra mốc thời gian hoặc khoảng thời gian cụ thể. Hãy chỉ đề cập rằng sẽ cố gắng cống hiến và hợp tác cùng công ty lâu nhất có thể.

Bạn có đang xem xét vị trí công việc ở công ty khác không?

Đây là một câu hỏi khó trong những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn. Thẳng thắn mà nói, mấu chốt ở đây chính là dù bạn có hoặc không xem xét công việc ở công ty khác thì cũng đừng nên trả lời quá thật thà. Bởi:

  • Nếu bạn thừa nhận thì nhà tuyển dụng đánh giá bạn không hoàn toàn dành tâm huyết cho công ty.
  • Nếu bạn từ chối, thì có lẽ là bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc ứng tuyển vào công ty này.

Vậy nên, hãy vin vào điểm chung của 2 trường hợp trên để đưa ra câu trả lời phỏng vấn xin việc ổn thỏa nhất.

Ví dụ như:

“Tôi chưa thực sự tìm kiếm việc làm cho đến khi được bạn A giới thiệu về công ty của bạn. Tôi cảm thấy rất hứng thú với công việc trong lĩnh vực này cũng như các dự án, sản phẩm/dịch vụ của công ty.”

Bạn có đang ứng tuyển cho công ty nào nữa không?

Tương tự câu hỏi phía trên. Bạn có thể tham khảo mẫu câu trả lời phỏng vấn xin việc dưới đây:

“Tôi đã có 2 cuộc trao đổi với 2 công ty trong ngành X và Y. Tuy vậy, tôi cảm thấy thực sự hứng thú với lĩnh vực, sản phẩm của công ty và nếu mọi việc suôn sẻ, chúng ta có thể cùng nhau thực hiện và tiến đến mục tiêu chung.”

Bạn sẽ thế nào nếu chúng tôi đưa ra quyết định không chọn bạn?

Đây chỉ là một đòn đánh tâm lý đến từ phía nhà tuyển dụng để xem xét về khả năng chịu áp lực, xử lý tình huống đột xuất hoặc cách bạn đối mặt với khó khăn. Vì vậy, hãy bình tĩnh và đưa ra cách xử lý khôn khéo nhất.

Hãy thể hiện sự tự tin với năng lực của mình. Cho dù không trúng tuyển tại công ty, bạn vẫn vui vẻ chấp nhận, vì có thể nhà tuyển dụng đánh giá bạn chưa phù hợp với doanh nghiệp.

Đồng thời, hãy nhấn mạnh rằng bạn đã học hỏi được nhiều điều qua cơ hội phỏng vấn với quý công ty.

Bạn có triết lý riêng trong công việc không?

Mỗi ứng viên sẽ có phong cách, quan điểm, triết lý làm việc mang tính bản sắc. Vì vậy, khi trả lời câu hỏi phỏng vấn này, bạn nên:

  • Bày tỏ các quan điểm về công việc, con người một cách nhẹ nhàng.
  • Hãy nói thêm về cách bạn ứng dụng vào quá trình làm việc, cải thiện công việc và tạo ra giá trị cho công ty.

Công việc hay tiền, theo bạn cái nào quan trọng hơn?

Không cần phải lựa chọn ở đây, bởi hai thứ này bổ sung cho nhau để giúp chúng ta phát triển từng ngày. Vì vậy, cách trả lời tốt nhất cho câu hỏi tình huống này là:

“Tôi cảm thấy tiền và công việc luôn cần phải song song với nhau. Tôi tin rằng việc tôi nỗ lực phát triển bản thân, phát triển công việc thì sẽ nhận được thù lao xứng đáng.”

Khả năng chịu áp lực của bạn thế nào?

Mẫu trả lời tham khảo:

“Bản thân tôi có thể làm việc dưới áp lực. Trước đây khi thực tập vị trí tester tại công ty A, tôi nhận ra rằng áp lực ở mức độ phù hợp rất có hiệu quả trong việc thúc đẩy tôi phải liên tục update bản thân, có kỷ luật và kế hoạch làm việc để đạt hiệu suất tốt nhất.”

Bạn có thể hoàn thành mọi công việc đúng thời hạn không?

Tip:

  • Hãy khẳng định bạn chủ động lên kế hoạch để hoàn thành các công việc trong thời gian được giao.
  • Nhấn mạnh về cam kết của bạn về tiến độ, chất lượng công việc.

Bạn kỳ vọng người sếp sắp tới của mình sẽ như thế nào?

Hãy miêu tả các đặc điểm của một người lãnh đạo trong suy nghĩ của bạn. Tất nhiên, nó phải thực tế và gần với vị trí công việc cũng như định hướng nghề nghiệp của bạn. Bạn có thể đưa ra một vài tính cách về lãnh đạo có tâm, có tầm như: tế nhị, biết tạo động lực cho nhân viên, có khả năng định hướng, giỏi truyền đạt ý tưởng,...

Nếu sếp của bạn làm sai, bạn sẽ xử trí thế nào?

Câu hỏi tình huống này sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá việc bạn cư xử với lãnh đạo, cấp trên thế nào cũng như cách bạn xử lý công việc không như ý. Tuy khó để trả lời, nhưng hãy cứ nhấn mạnh rằng, dù hành động thế nào thì cũng để lợi ích chung của tập thể lên hàng đầu.

Ví dụ mẫu câu trả lời như:

“Trước hết chúng ta cần xem xét cách làm của sếp có sai thật không hay chỉ là cá nhân tôi đang phỏng đoán vậy. Trong trường hợp thực sự xảy ra điều đó, tôi sẽ nhắn lại hoặc gặp mặt trực tiếp sau để xác nhận lại thông tin, đề xuất cách khắc phục. Tôi luôn muốn mọi người cùng hỗ trợ nhau để phát triển. Điều đó đều có lợi cho cả tôi, mọi người và công ty.”

Bạn có thể đi công tác không?

Với câu hỏi này, bạn cần nêu quan điểm càng rõ ràng càng tốt, hoặc là có thể hoặc là không. Đừng lấp liếm hay nói vòng vo bởi nhà tuyển dụng thực sự một câu trả lời thẳng thắn.

  • Trường hợp bạn có thể đi công tác, thì cứ thoải mái thể hiện sự hứng thú và tinh thần sẵn sàng thực hiện công việc khi có yêu cầu.
  • Trường hợp bạn không thể đi công tác, hãy thẳng thắn trao đổi thật lòng để cả hai bên hiểu ý của nhau.

Tại sao công ty nên tuyển bạn dù bạn chưa có kinh nghiệm?

Tip trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc khi chưa có kinh nghiệm:

  • Khẳng định khả năng, trình độ của bản thân đáp ứng được các yêu cầu công việc.
  • Đưa ra 1 vài hoạt động thực tế có liên quan đến vị trí ứng tuyển như tham gia cuộc thi hoặc là đảm nhận vị trí trong CLB,...
  • Đề cập đến việc khả năng của bạn có thể tạo ra những giá trị gì cho công ty.
  • Thể hiện mong muốn được đảm nhận công việc và cống hiến.
  • Cam kết cống hiến và đóng góp vào sự phát triển của công ty.

Bạn đang tìm kiếm điều gì ở vị trí công việc mới này?

Hãy đứng ở góc độ của nhà tuyển dụng, liệu họ có tuyển dụng nhân viên chỉ quan tâm đến mức lương tốt khi được hỏi câu này không? Câu trả lời chắc chắn là không. Vậy nên, ngoài vấn đề quan trọng nhất là thù lao hậu hĩnh, bạn cũng cần đề cập đến mục tiêu nghề nghiệp và mong muốn khác về công ty.

Hãy chia sẻ về một sự kiện thành công/thất bại của bạn?

Tip flex điểm mạnh hoặc chia sẻ về thất bại một cách khéo léo mà vẫn khiêm tốn:

  • Đề cập đến thành tựu có liên quan đến công việc, kèm thêm số liệu chứng minh để thêm sức thuyết phục. Đừng quên nói về việc thành tựu này giúp ích được gì cho sự nghiệp của bạn và công ty.
  • Nếu chia sẻ về thất bại, hãy trả lời một cách rõ ràng theo công thức STAR và cách bạn rút ra được bài học, cũng như việc khắc phục hậu quả của thất bại đó.

Bạn sẽ làm gì khi đã hết giờ làm nhưng đồng nghiệp vẫn chưa đứng dậy ra về?

Rất nhiều nhà tuyển dụng sẽ đưa ra câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn này. Cách trả lời khéo léo đó là nên bắt nguồn từ lý do đồng nghiệp vẫn nán lại công ty là vì sao:

  • Nếu có liên quan đến công việc, bạn cần xử lý tình huống bằng cách hỏi xem đồng nghiệp có cần bạn hỗ trợ hay không.
  • Nếu là vấn đề cá nhân (tắc đường, chơi game, đợi bạn,...) thì không có lý do gì bạn nán lại quá lâu khi đã hoàn thành công việc rồi.

Sếp cũ hoặc đồng nghiệp của bạn mô tả bạn như thế nào?

Câu hỏi phỏng vấn xin việc này cũng tương tự như câu hỏi về điểm mạnh, lợi thế hoặc điểm yếu của bạn. Bạn có thể trả lời câu hỏi này theo hai cách như:

  • Mô tả tình huống cụ thể và nhận được lời khen/nhận xét của sếp, đồng nghiệp.
  • Trích dẫn câu mô tả bằng bản đánh giá nhân sự.

Bạn giải quyết những rắc rối của công việc như thế nào?

Những rắc rối được đặt ra chỉ là tình huống giả định để đánh giá khả năng xử lý tình huống của bạn. Hãy đảm bảo cách bạn giải quyết mọi rắc rối kể cả công việc lẫn cá nhân thì đều được xem xét đầy đủ các khía cạnh: nguyên nhân, thực trạng, cách khắc phục.

Tip để có câu trả lời “hợp ý” nhất là:

  • Hãy cho thấy bạn có xu hướng thể hiện tốt dù là trong những tình huống căng thẳng, rắc rối.
  • Cho 1-2 ví dụ về một tình huống mà bạn gặp khó khăn, áp lực và cách giải quyết của bạn.

Bạn là người có tinh thần đồng đội hay độc lập?

Cần phải khẳng định rằng, khi bước vào môi trường công sở thì bạn đều phải có kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập. Điều quan trọng là cách bạn ứng dụng và tận dụng tính cách của bản thân để nâng cao kỹ năng thế nào.

Một tip để bạn có thể trả lời câu hỏi phỏng vấn xin việc này đó là hãy mô tả một tình huống cụ thể hoặc thời điểm nào đó thể hiện tinh thần làm việc nhóm hoặc kỹ năng làm việc độc lập giúp ích cho công ty.

1, 2 hoặc 3 tháng đầu tiên của bạn trong vai trò A sẽ như thế nào?

Câu hỏi này thường được áp dụng khi tuyển dụng nhân sự cấp cao, lãnh đạo, leader,... Có thể trong quá trình ứng tuyển, bạn đã nắm được công việc của mình. Điều cần thiết bây giờ là kế hoạch và thực thi nó thế nào.

Bạn có thể tham khảo tip dưới đây để đưa ra câu trả lời phù hợp:

  • Trong 1 tháng đầu tiên: Cần nắm được thông tin về sản phẩm/dịch vụ, lĩnh vực hoạt động của công ty, quy trình hoạt động, chi tiết phòng ban làm việc, thách thức hiện tại của công ty và vai trò của bạn trong bộ máy của công ty.
  • Trong 2 tháng làm việc: Cần thực thi và đưa ra các đề xuất ý tưởng cải tiến về hoạt động của phòng ban.
  • Trong vòng 3 tháng làm việc: Mô tả các điều bạn nghĩ sẽ tăng trưởng với số liệu cụ thể.

Bạn có thắc mắc nào cần chúng tôi giải đáp không?

Hãy hỏi lại nhà tuyển dụng những vấn đề về văn hóa, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cũng như chi tiết công việc, phòng ban. Bạn có thể tham khảo những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng do ITNavi tổng hợp với sự tham khảo từ các chuyên gia nhân sự, HR kinh nghiệm.

Kỹ năng phỏng vấn xin việc đầu xuôi đuôi lọt

Ngoài các câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc phía trên, kỹ năng phỏng vấn chính là một trong các yếu tố quyết định đến kết quả bạn có thành công hay không. Bạn cần lưu ý, bên cạnh trí tuệ chuyên môn, thì EQ cao sẽ khiến bạn chinh phục nhà tuyển dụng nhanh hơn.

Vậy, các kỹ năng cần có trong bộ kinh nghiệm phỏng vấn đó là:

  • Luôn giữ nụ cười.
  • Thái độ chuyên nghiệp, tinh thần nhiệt huyết, thần thái tự tin.
  • Tận dụng ngôn ngữ cơ thể.
  • Trung thực.
  • Tuyệt đối không nói xấu về công ty cũ, sếp cũ, đồng nghiệp cũ.
  • Đừng nói “Không” – Hãy nói “Chưa”.
  • Trả lời rõ ràng, trọng tâm, gãy gọn.
  • Tinh tế khi flex ưu điểm, khéo léo khi nói đến khuyết điểm.
  • Đặt câu hỏi cho người tuyển dụng một cách thông minh.

Kinh nghiệm phỏng vấn “bách phát bách trúng” 

Nếu bạn còn lo lắng cho buổi phỏng vấn sắp tới của mình, ITNavi sẽ giúp bạn xóa tan nói với đầy đủ kinh nghiệm phỏng vấn xin việc dưới đây.

Trước khi tham gia phỏng vấn

  • Tìm hiểu kỹ về công ty mà bạn ứng tuyển, mô tả công việc.
  • Chuẩn bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc.
  • Tập phỏng vấn với bạn bè, người quen hoặc người có kinh nghiệm phỏng vấn.

Trong ngày phỏng vấn

  • Đúng giờ, đúng giờ và đúng giờ.
  • Trang phục lịch sự, thoải mái.
  • Thái độ thân thiện, tự tin, khiêm tốn.
  • Trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, sẵn sàng cho các câu hỏi tình huống.
  • Chú ý những câu hỏi nên hỏi nhà tuyển dụng.

Sau buổi phỏng vấn

  • Gửi mail cảm ơn nhà tuyển dụng về buổi phỏng vấn và cơ hội được học hỏi từ họ.
  • Có thể xin feedback về cách bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn để rút kinh nghiệm cho các buổi phỏng vấn tiếp theo.

Tóm lại, chuẩn bị thật tốt cho một buổi phỏng vấn xin việc là điều không bao giờ thừa. Những câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn và những kỹ năng, kinh nghiệm phỏng vấn mà ITNavi tổng hợp, chia sẻ trên đây chính là chìa khóa để giúp bạn chinh phục mọi nhà tuyển dụng và có được kết quả như ý.

ITNavi - Nền tảng kết nối việc làm IT

Nguồn: Dắt túi 35+ câu hỏi phỏng vấn xin việc và cách trả lời chất nhất

Bài viết liên quan

NEWSLETTER

Nhập địa chỉ email của bạn dưới đây để đăng ký nhận tin mới nhất

KẾT NỐI VÀ THEO DÕI