Chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng IT với 21 bước trong 3 giai đoạn

ITNavi 11 Sep 2023 2517

Thương hiệu nhà tuyển dụng rất quan trọng, đặc biệt là với công ty IT. Vậy làm sao để HR có thể xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp, hiệu quả, thu hút nhiều ứng viên tài năng. Cùng ITNavi tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết dưới đây nhé.

Tại sao doanh nghiệp IT cần chú trọng xây dựng thương hiệu tuyển dụng?

Theo thống kê, có đến 95% ứng viên IT cho rằng danh tiếng của công ty là yếu tố ảnh hưởng đến việc họ có ứng tuyển/nhận offer hay không. Con số này chắc chắn đã đủ sức thuyết phục bạn cần chú trọng hơn trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Hầu hết các ứng viên đều rất chú trọng đến danh tiếng của một công ty và chắc chắn sẽ lựa chọn công ty có thương hiệu mạnh để làm việc. Chính vì vậy, để thu hút và giữ chân những ứng viên IT tài năng thì doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn để có một thương hiệu vững mạnh. Mặc dù điều này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, chi phí nhưng nếu như làm tốt thì công ty của bạn sẽ rất nổi bật trên thị trường tuyển dụng và được nhiều ứng viên tin tưởng.

Bên cạnh đó, thương hiệu tốt có thể giúp cải thiện các chỉ số khác trong tổ chức, cụ thể như sau:

  • Chi phí tuyển dụng
  • Giữ chân nhân sự
  • Hiệu suất làm việc
  • Lợi nhuận của công ty
  • ………

Một công ty có thương hiệu tuyển dụng tốt giúp giảm đến 50% chi phí tuyển dụng, giảm 28% tỷ lệ nghỉ việc. Nói cách khác, bộ phận tuyển dụng sẽ không cần tốn quá nhiều thời gian, chi phí để tìm những ứng viên tài năng, đồng thời nhân viên xuất sắc cũng sẽ không rời bỏ doanh nghiệp nếu thương hiệu đủ tốt.

Cách xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng IT

Giai đoạn 1: Lập kế hoạch

Ở giai đoạn này HR cần đánh giá tình hình thương hiệu nhà tuyển dụng ở giai đoạn hiện tại và có kế hoạch để cải thiện, phát triển, truyền tải đúng thông điệp.

  • Bước 1: Xác định lại nhu cầu

Bộ phận tuyển dụng cần họp cùng ban lãnh đạo để có cái nhìn tổng quan về mục tiêu, chiến lược của doanh nghiệp. Từ đó bạn sẽ hiểu hơn về nhu cầu tuyển dụng của công ty qua từng giai đoạn khác nhau.

  • Bước 2: Đánh giá và phát triển văn hóa công ty

Thực tế cho thấy, có đến 47% người tìm việc quan tâm đến văn hóa của doanh nghiệp, coi đây là yếu tố quan trọng khi quyết định apply/nhận offer. Vậy nên trước khi xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng, HR cần hiểu rõ được văn hóa công ty, điều gì là cốt lõi mà công ty đang hướng đến. Khi xác định rõ thì bạn có thể dùng những yếu tố này để truyền thông cùng thương hiệu tuyển dụng.

  • Bước 3: Xác định mục tiêu rõ ràng

Sau 2 bước trên, HR cần xác định được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn liên quan đến: Tuyển dụng, hiệu suất làm việc, giữ chân nhân sự, thương hiệu tuyển dụng… Song song với đó, việc thiết lập các chỉ số KPI cũng nên được xác định để đo lường các mục tiêu và đảm bảo nó có thể thực hiện được/thực hiện theo đúng mục tiêu đã đề ra.

  • Bước 4: Thu hút sự ủng hộ từ phía ban lãnh đạo

Nếu chúng ta có một kế hoạch hoàn hảo mà không được ban lãnh đạo đồng ý, phê duyệt thì cũng không có nghĩa lý gì. Quan trọng là HR cần để ban lãnh đạo hiểu được giá trị của thương hiệu tuyển dụng với sự phát triển của công ty. Từ đó bạn sẽ được hỗ trợ về nguồn lực, ngân sách…. giúp kế hoạch hoàn thiện hơn.

  • Bước 5: Phân bổ nguồn lực

Sau khi bạn đã đặt ra các mục tiêu, hãy tạo ra một đội nhóm để thực hiện các công việc giúp phát triển thương hiệu. Hãy nêu rõ nhiệm vụ, vai trò cũng như chi phí từng bước.

  • Bước 6: Hiểu về ứng viên tiềm năng

HR cần nghiên cứu và thấu hiểu ứng viên IT để có thể lên chiến lược truyền thông cho thương hiệu một cách hiệu quả nhất. Bạn cần biết họ là ai, nhu cầu tìm việc của họ như thế nào, họ có bao nhiêu năm kinh nghiệm…. Cách tốt nhất là HR có thể tìm insight ứng viên từ chính những nhân viên IT đang làm việc tại công ty của mình.

  • Bước 7: Phát triển EVP

Dựa theo những insight mà chúng ta đã tìm được, HR cần xây dựng EVP độc đáo, đảm bảo có thể cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Khi có EVP đủ mạnh, việc xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng cũng dễ dàng hơn và bạn dễ dàng thu hút ứng viên tiềm năng hơn.

  • Bước 8: Lựa chọn kênh truyền thông

Khi các kế hoạch, mục tiêu đã được đề ra thì bạn cần xác định các kênh truyền thông để truyền tải thông điệp của nhà tuyển dụng đến với ứng viên. Cần xác định được ứng viên tiềm năng họ ở đâu, muốn nghe điều gì, quan tâm đến yếu tố nào…. Một số kênh mà bạn có thể sử dụng gồm: Website tuyển dụng, Facebook, Linkedin, Tiktok…

Giai đoạn 2: Thực hiện

Giai đoạn thực hiện chính là lúc bạn đưa những kế hoạch đã đề ra đi vào chi tiết và triển khai. Các bước trong giai đoạn thực hiện như sau:

  • Bước 9: Kiểm tra lại thương hiệu tuyển dụng hiện tại

Bạn cần phân tích những tài liệu về thương hiệu nhà tuyển dụng ở hiện tại xem có đúng với mục tiêu hiện tại không. Liệu những câu chuyện trước đó nó còn phù hợp với “câu chuyện thương hiệu” mà bạn sẽ kể không?

  • Bước 10: Kiểm tra đăng ký ứng tuyển

Rất nhiều nhà tuyển dụng bỏ qua điều này tuy nhiên một quy trình ứng tuyển đơn giản, không phải trải qua quá nhiều bước sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn cho ứng viên. Trong quy trình tuyển dụng có rất nhiều bước, hãy đơn giản hóa các công đoạn để giúp ứng viên cảm thấy không mất quá nhiều thời gian cho việc ứng tuyển.

  • Bước 11: Đảm bảo cả hai điều trên phản ánh nhu cầu và mong muốn của ứng viên mục tiêu của bạn

Sử dụng kết quả từ bước 8 và thực hiện các thay đổi sẽ thu hút ứng viên IT tiềm năng mà bạn đang hướng đến.

  • Bước 12: Tạo nội dung thu hút ứng viên

Khi đã có toàn bộ những thông tin phía trên, hãy tạo ra những nội dung mới đúng với insight của ứng viên. Với trang website, hãy cập nhật thông tin về việc làm, với mạng xã hội hãy thay đổi màu sắc, thông điệp, với Linkedin hãy tạo ra hình ảnh doanh nghiệp chuyên nghiệp…. Hãy bắt đầu kể những câu chuyện thương hiệu mới đến đúng đối tượng mục tiêu của mình.

  • Bước 13: Kêu gọi mọi người tham gia

Mỗi người trong công ty sẽ có những câu chuyện riêng để kể về tuyển dụng. Hãy kêu gọi mọi người cùng tham gia vào việc xây dựng thương hiệu và khuyến khích các nhân viên chia sẻ về cảm xúc của họ qua voice, video, hình ảnh….

  • Bước 14: Đừng quên chia sẻ

Cần khuyến khích nhân viên chia sẻ các thông tin trên trang cá nhân để lan tỏa đến tất cả mọi người. Có nhiều công ty có quy định về việc nhân viên phải chia sẻ lên mạng xã hội. Tuy nhiên HR cần khéo léo để nhân viên chủ động và thực sự muốn đăng tải chứ không phải đăng bài theo hướng ép buộc.

  • Bước 15: Nhận phải hồi từ nhân viên

Nhận xét từ nhân viên là một trong những cách chân thực và thú vị nhất để bạn kể câu chuyện về thương hiệu nhà tuyển dụng của mình. Những đánh giá này có thể là cuộc trò chuyện video ngắn, bài đăng trên mạng xã hội hoặc các bản thu voice. HR có thể chia sẻ những đánh giá này lên web, social,.... để nâng cao hình ảnh. 

  • Bước 16: Sử dụng kết hợp các phương tiện truyền thông 

Ở thời đại hiện nay, mọi người tiêu thụ thông tin theo nhiều cách khác nhau (nhiều kênh khác nhau). Để kể câu chuyện của bạn một cách hiệu quả, bạn nên sử dụng nhiều kênh khác nhau. Điều này có thể bao gồm ảnh, video, mạng xã hội, bài đăng trên blog, trang web về việc làm, podcast, hoặc thậm chí event online/offline. Thương hiệu xuất hiện trên nhiều kênh khác nhau càng tốt.

Giai đoạn 3: Theo dõi và điều chỉnh

  • Bước 17: Kiểm tra liên tục

Khi triển khai các chiến dịch xây dựng thương hiệu tuyển dụng, HR cần biết cách thử nghiệm, đo lường, A/B testing để xem điều gì đang mang lại hiệu quả tốt hơn. Bạn càng thử càng nhiều thì sẽ càng hiểu hơn về ứng viên của mình và biết họ quan tâm điều gì.

  • Bước 18: Đo lường

Làm gì cũng cần có mục tiêu, sau mỗi chiến dịch bạn cần đo lường kết quả với mục tiêu đã đề ra. KPI có thể là tỷ lệ tiếp cận ứng viên, tỷ lệ ứng viên tương tác bài đăng, số lượng ứng viên quan tâm job, số lượng ứng viên gửi CV… Bạn có thể đo lường theo tuần hoặc theo tháng, tùy theo từng giai đoạn.

  • Bước 19: Xem xét kết quả hàng quý, điều chỉnh nếu cần

Sau mỗi quý bạn cần xem xét kết quả và có những thay đổi nếu như những gì đang thực hiện đi lệch với mục tiêu ban đầu.

  • Bước 20: Thu thập ý kiến từ mọi người

Khi thương hiệu tuyển dụng đã có những phát triển nhất định bạn vẫn cần tham khảo, thu thập ý kiến từ mọi người để có những ý tưởng mới trong việc xây dựng thương hiệu của công ty.

 

  • Bước 21: Review kế hoạch

Mỗi năm bạn cần kiểm tra, đánh giá kế hoạch và so sánh sự thay đổi qua từng năm. Qua đây bạn sẽ biết mình đang làm tốt điều gì, có gì chưa tốt và có những cải thiện để thương hiệu nhà tuyển dụng IT vững mạnh hơn.

Kết luận

Trên đây là 3 giai đoạn xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng IT cùng 21 bước đi kèm. Hy vọng qua những nội dung trên đây HR có thể biết cách xây dựng, từ đó thu hút được nhiều ứng viên IT tiềm năng, giúp tổ chức phát triển hơn.

ITNavi - Nền tảng kết nối việc làm IT

Nguồn: Chiến lược xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng IT với 21 bước trong 3 giai đoạn

Bài viết liên quan

NEWSLETTER

Nhập địa chỉ email của bạn dưới đây để đăng ký nhận tin mới nhất

KẾT NỐI VÀ THEO DÕI