Bật mí 7 nguyên tắc kiểm thử nâng tầm level cho tester - ITNavi

ITNavi 19 Aug 2022 2937

Nhiều người cho rằng thành công đến từ việc chính chúng ta tuân thủ những quy tắc trong cuộc sống. Tương tự như vậy, kiểm thử phần mềm cũng tuân theo 7 nguyên tắc để quá trình test đạt được hiệu quả cao nhất. ITNavi sẽ bật mí ngay 7 nguyên tắc kiểm thử phần mềm tại bài viết dưới đây để tester nắm được!

7 nguyên tắc kiểm thử - ảnh 1

7 nguyên tắc kiểm thử phần mềm các tester cần nắm

 

7 nguyên tắc kiểm thử phần mềm thực ra đã tồn tại trong nhiều năm nay nhưng không phải ai cũng hiểu và vận dụng được. 

Có 7 nguyên tắc kiểm thử phần mềm mà tester nên nhớ và tuân theo: 

  • Kiểm thử cho thấy sự hiện diện của lỗi
  • Kiểm thử tất cả là điều không thể
  • Kiểm thử sớm giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc
  • Lỗi tập trung lại một cụm với nhau
  • Nghịch lý thuốc trừ sâu
  • Kiểm thử phụ thuộc ngữ cảnh
  • Suy nghĩ sai lầm về việc hết lỗi

 

1. Kiểm thử cho thấy sự hiện diện của lỗi

 

Kiểm thử là hoạt động nhằm mục đích tìm ra lỗi (bug) có trong sản phẩm để developers có thể sửa chữa chúng. Kiểm thử đảm bảo tất cả các lỗi tiềm ẩn thường bị bỏ qua trong giai đoạn phát triển phần mềm sẽ được phát hiện ra. Chỉ khi qua được giai đoạn kiểm thử, những sản phẩm có chất lượng tốt nhất mới được phép đến tay khách hàng. 

 

Tuy nhiên, việc khắc phục những lỗi đó không có nghĩa đảm bảo rằng sản phẩm hiện không có lỗi 100%. Điển hình như: Một ứng dụng không còn xuất hiện lỗi khi chuyển sang giai đoạn thử nghiệm khác nhưng lại xuất hiện lỗi trong quá trình ra thị trường cho người dùng thử nghiệm. 

 

Vì vậy, kiểm thử chỉ giúp giảm thiểu tối đa lỗi của sản phẩm xuống mức thấp nhất có thể. Điều quan trọng là các tester phải thiết kế được bộ Test Case có mức bao phủ rộng sao cho có thể tìm được càng nhiều bug càng tốt.  

 

7 nguyên tắc kiểm thử - ảnh 2

Kiểm thử nhằm mục đích tìm ra lỗi của sản phẩm.

 

2. Kiểm thử tất cả là điều không thể

 

Các tester phải chấp nhận sự thật rằng kiểm thử tất cả mọi thứ là điều không thể. Người kiểm thử không thể kiểm tra ứng dụng từ mọi khía cạnh được, vì chỉ riêng từng dữ liệu đầu vào và dữ liệu đầu ra đã có sự kết hợp vô hạn. Nếu cứ cố gắng kiểm thử mọi trường hợp chỉ làm tiêu tốn thêm chi phí, thời gian và công sức.

 

Đây cũng là lý do tại sao không có ứng dụng nào có sự hoàn hảo chính xác 100%. Về mặt chức năng, sản phẩm có thể đạt được 99% hiệu quả; tuy nhiên về mặt kỹ thuật, việc đạt được 100% là không thực tế. Các tester luôn cố gắng kiểm tra hết năng suất để tạo ra một ứng dụng không có lỗi nhưng tìm được toàn bộ lỗi là ngoài sức tưởng tượng.

 

Thay vì tiến hành kiểm thử toàn diện, các tester có thể lường trước các rủi ro và ưu tiên tập trung kiểm tra một số điểm cần thiết có nguy cơ lỗi cao.

 

3. Kiểm thử sớm giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc

 

Kiểm thử càng sớm càng tốt là một nguyên tắc bất di bất dịch mà bất kỳ quy trình phát triển phần mềm nào cũng cần áp dụng. Kiểm thử sớm là yếu tố quan trọng góp phần quyết định chất lượng cho ứng dụng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho dự án. Hoạt động kiểm thử nên tiến hành ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển phần mềm thay vì sản phẩm hoàn thành xong mới kiểm tra. 

 

Kiểm thử sớm giúp phát hiện lỗi sớm, lỗi được sửa sớm sẽ đảm bảo được dự án hoàn thành đúng tiến độ cũng như chất lượng sản phẩm được nâng cao. Nếu lỗi phát hiện muộn, nhất là vào giai đoạn cuối sẽ dẫn đến sửa vội, test vội, code vội. Đó cũng chính là lý do khiến chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, tiến độ dự án không hoàn thành được dẫn đến phải overtime, tăng chi phí của dự án.

 

7 nguyên tắc kiểm thử - ảnh 3

Kiểm thử sớm giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc

 

4. Lỗi tập trung lại một cụm với nhau

 

Nguyên tắc này mô tả về việc mật độ phân bổ lỗi trong một sản phẩm. Nhiều người nghĩ rằng lỗi sẽ dàn trải đồng đều nhưng thực chất phần lớn lỗi tập trung vào những module, chức năng chính của hệ thống. Điển hình, một sản phẩm có tới 10 module nhưng chỉ 1 module gây ra số lượng lỗi tối đa trong quy trình phát triển phần mềm.

 

Nói cách khác, hầu hết các lỗi được tìm thấy trong quá trình kiểm thử thường nằm trong một số lượng nhỏ các module. Dựa trên kinh nghiệm, các tester có thể xác định trước được các module rủi ro như vậy. Nhưng để tiếp cận được các module này cần được chau chuốt về Test Case để lỗi có thể hiện diện được. 

 

5. Nghịch lý thuốc trừ sâu

 

Trong trồng trọt, nếu người nông dân chỉ sử dụng lặp đi lặp lại một loại thuốc trừ sâu thì các loại sâu bệnh sẽ dần thích nghi và kháng lại chính loại thuốc đó. Liên hệ sang kiểm thử, nguyên tắc này muốn nói về hành động các tester chỉ sử dụng cùng một bộ Test Case để kiểm tra sản phẩm. Nhìn chung kết quả đạt được là sản phẩm không thấy lỗi nữa, phần mềm chạy tốt nhưng cuối cùng vẫn thất bại do xuất hiện các vấn đề khác phát sinh.

 

Nói cách khác, nếu cứ thực hiện lặp đi lặp lại một bộ Test Case thì khả năng rất thấp sẽ tìm ra được lỗi mới của sản phẩm. Nguyên nhân là do hệ thống ngày càng hoàn thiện, những lỗi được tìm thấy trước đã được sửa còn bộ Test Case đều là những trường hợp kiểm thử đã cũ.

 

Do đó, để khắc phục "Nghịch lý thuốc trừ sâu", bộ Test Case cần được xem xét và sửa đổi thường xuyên. Dựa theo các yêu cầu dự án, Test Case có thể được thêm mới hoặc xóa đi các trường hợp kiểm thử không tìm thấy thêm bất kỳ khiếm khuyết nào từ ứng dụng.

 

7 nguyên tắc kiểm thử - ảnh 4

Nguyên tắc nghịch lý thuốc trừ sâu

 

6. Kiểm thử phụ thuộc ngữ cảnh

 

Kiểm thử phụ thuộc ngữ cảnh là nguyên tắc yêu cầu sự linh hoạt của các tester. Mỗi sản phẩm đều có có những yêu cầu riêng và nhiệm vụ của người kiểm thử là phải xây dựng được bộ Test Case phù hợp ngữ cảnh.

 

Ví dụ: Nếu bạn cùng lúc kiểm thử ứng dụng Website và ứng dụng Mobile bằng một bộ Test Case giống y hệt nhau là sai lầm. Website và Mobile đã có sự nhau rất nhiều về: Giao diện, kích thước, tính tương thích, version, bộ nhớ, hành vi thao tác người dùng…Vì vậy, Test Case xây dựng cho ứng dụng Website phải khác với ứng dụng Mobile dù cùng một sản phẩm.

 

7. Suy nghĩ sai lầm về việc hết lỗi

 

Nguyên tắc này khuyến khích các tester xác nhận xem ứng dụng có đáp ứng các yêu cầu của người dùng hay không. Nếu ứng dụng không phù hợp với quan điểm khách hàng thì việc tìm và sửa lỗi của sản phẩm không có ý nghĩa gì, tất cả công sức của mọi người chỉ là một sự lãng phí. Vì vậy, vai trò của tester rất quan trọng để kiểm tra tiềm năng của một ứng dụng.

 

Ứng dụng không có lỗi 99% vẫn có thể không sử dụng được. Điều này có thể xảy ra khi ứng dụng được kiểm thử trên các yêu cầu bị sai. Việc kiểm thử không đơn thuần là tìm ra các khiếm khuyết mà còn đảm bảo rằng ứng dụng đó giải quyết được các nhu cầu của doanh nghiệp. Tóm lại, quan niệm về việc hết lỗi là một sai lầm, việc phát hiện và sửa chữa các lỗi sẽ không hữu ích nếu ứng dụng không sử dụng được cũng như không đáp ứng yêu cầu của người dùng.

 

Kết luận

 

Việc áp dụng 7 nguyên tắc kiểm thử này giúp nâng cao chất lượng của toàn bộ quy trình kiểm thử. Các tester sẽ cảm thấy làm việc hiệu quả và tập trung hơn khi tuân theo các nguyên tắc. Dù chỉ áp dụng một nguyên tắc, hoạt động kiểm thử cũng sẽ ổn thỏa hơn là việc kiểm thử theo cảm tính. 

Mở rộng ngay cơ hội việc làm Tester tại ITNavi - Nền tảng kết nối việc làm IT với hơn 1000++ jobs cập nhật mỗi ngày.

 

Xem thêm:

1000 việc làm IT tại Nền tảng kết nối việc làm ITNavi

Thông tin cần biết về các loại kiểm thử

Bạn đã hiểu rõ 4 giai đoạn kiểm thử phần mềm

 

ITNavi - Nền tảng kết nối việc làm IT

Nguồn: Bật mí 7 nguyên tắc kiểm thử nâng tầm level cho tester - ITNavi

Bài viết liên quan

NEWSLETTER

Nhập địa chỉ email của bạn dưới đây để đăng ký nhận tin mới nhất

KẾT NỐI VÀ THEO DÕI